[PhD life] Chọn học Tiến Sĩ hay chỉ dừng lại ở Thạc Sĩ và cái giá của nó? - BeeLab

Tuesday, January 2, 2018

[PhD life] Chọn học Tiến Sĩ hay chỉ dừng lại ở Thạc Sĩ và cái giá của nó?


(1) Chọn học Tiến Sĩ hay chỉ dừng lại ở Thạc Sĩ!
Tưởng đơn giản nhưng đôi khi làm không ít bạn mất ăn mất ngủ. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của nhiều người khi làm Tiến Sĩ. Để giúp các bạn có cái nhìn rõ ràng hơn, bài này tôi phân tích: (1) hoàn cảnh và tâm lý chung của các bạn đứng trước quyết định này; (2) Cái giá có thể phải trả của làm Tiến Sĩ là gì? Lưu ý: số liệu ở đây dựa trên thống kê và “phán đoán” cá nhân ở Bắc Mỹ; nên các bạn phải điều chỉnh, hoặc tìm con số tương tự ở các nước khác.
Hoàn cảnh của phần lớn các du học sinh ở Việt Nam (VN) thường là vì ao ước đi du học, chứ chưa chắc đã nghĩ kĩ về việc mình yêu thích khoa học hay biết rõ môi trường học thuật thực sự là như thế nào. Có nhiều lý dó khiến các bạn mong muốn đi du học, và phần lớn xem đó như là một cơ hội lớn trong đời. Lý do chính yếu mà các bạn có thể đều đồng ý là giáo dục ở VN đem lại quá ít cơ hội việc làm. Một vài con số chứng minh rõ ràng điều đó: 200,000 sinh viên đại học không xin được việc làm, trong tổng số 2 triệu sinh viên; và mức lương cho sinh viên mới ra trường thường chỉ ở mức 5-10 triệu/tháng, thậm chí là không đủ sống. So với Canada, chẳng hạn, trong tổng số 1.7 triệu sinh viên đại học (năm 2016), thì trung bình có tới 160,000 việc làm được tạo ra mới hàng năm; còn mức lương trung bình là cao hơn CAD$65,000/năm. Vì thế, có thể nói, bằng đại học là đủ tốt để sinh viên Canada sống tự lập, không cần thiết phải học cao hơn; do đó, việc lựa chọn làm PhD của sinh viên Canada thường là vì họ thích khoa học, và theo đuổi học thuật hơn (tất nhiên, không phải tất cả, vì tôi biết có sinh viên chọn sai đường!).
So với sinh viên đại học ở VN, thì việc đi du học, xin được học bổng lại là một “cuộc chơi” đổi đời. Với mức học bổng trung bình ở Bắc Mỹ vào khoảng USD$2000-$3000/tháng (PhD), thậm chí là ~$1000/tháng (Master và PhD) ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, thì vẫn là cao hơn rất nhiều nếu xin đi làm luôn ở Việt Nam. Nếu chúng ta trừ đi chi phí chuẩn bị học tiếng Anh là vài ngàn USD/vài năm, thì việc lựa chọn đi du học vẫn là một tính toán lời lãi rõ ràng. Dù nhiều bạn, nhiều gia đình sẵn sàng trả tiền học phí đi du học, thì mức thu nhập với tấm bằng ở nước ngoài, khả năng ở lại làm việc vẫn là một chiến lược có thể đưa lại nhiều lợi ích khác nữa. Vì thế, theo tôi, làn sóng du học trong những năm gần đây ở VN là không thể cưỡng lại được. Lý do đơn giản, như tôi phân tích, vì du học là một lựa chọn hoàn toàn có lời của sinh viên VN và gia đình của họ, thậm chí có thể khái quát lên là có lời cho cả đất nước. Do đó, bạn hoàn toàn có lý do mà vui mừng vì xin đi du học được. Kết quả này sẽ đem lại cho bạn sự phấn khích nhất định với niềm tự hào đáng có.
Hãy giả sử bạn di du học với học bổng hay không học bổng, thì bạn sẽ phải đối đầu với một lựa chọn khi sắp tốt nghiệp: là học tiếp lên cao hơn hay xin việc. Các bạn phải ghi nhớ, trong môi trường ở nước ngoài, học cao hơn không có nghĩa là tốt hơn. Có hai khía cạnh: một là tiền bạc, hai là thời gian. Tiền bạc và thời gian là hai yếu tố các bạn ít để ý tới là chúng có liên hệ với nhau. Ví dụ: nếu xin được việc sau tốt nghiệp, thì mức lương của bạn có thể ở mức $40k, sau 2-3 năm có thể lên tới $60k hoặc cao hơn. Nếu bạn học thạc sĩ sau hai năm (thường là phải trả học phí), mức lương của bạn cũng khởi điểm cỡ $60k. Nếu trừ học phí và ăn ở trong hai năm thạc sĩ thì mức lương thực của bạn còn thấp hơn cả $40k. Cái lợi của việc xin việc ngay sau tốt nghiệp là bạn dễ dàng thích nghi với môi trường mới, sẵn sàng nhảy việc hơn (Lưu ý: VISA làm việc ở Mỹ khó hơn ở Canada. Nếu tốt nghiệp ở Canada, bạn được phép ở lại 3 năm để xin việc; còn Mỹ chỉ có 18 tháng. Hơn nữa, các công ty Mỹ ngại vấn đề VISA H1B vì ít nhất 6 tháng mới xin được. Còn ở Canada thì dễ hơn nhiều, chỉ mất dưới 3 tháng, thậm chí có thể làm xong trong 30 phút tại biên giới Canada-Mỹ.) Việc học thêm 2-3 năm thạc sĩ có thể tạo ra cho bạn sức ỳ tâm lý nhất định: với bằng cấp cao hơn, bạn muốn có việc lương cao hơn (vì bạn bỏ thêm thời gian, công sức và tiền bạc), vì thế bạn ít lựa chọn hơn so với tấm bằng đại học (ở nước ngoài). Ở nước ngoài, nếu bạn đi làm luôn sau đại học trong vài năm có thể đem lại cho bạn kinh nghiệm rất lớn, có khi tốt hơn cả học thạc sĩ. Các bạn cảm thấy khó xin việc ở trình đại học thực ra là do không “gõ đúng cửa”. Ở Bắc Mỹ có tới 75% số việc lại không được đưa lên mạng cho các bạn biết. Những công việc được đưa trên mạng thường vì họ cần ngay, hoặc vì họ muốn người tốt nhất, hoặc chỉ vì họ làm cho nó có thôi (vì họ nhắm người mà họ muốn rồi). Vì thế các bạn phải năng động kết nối, tác động mọi mối quan hệ bạn có để xin việc, xin làm intership từ khi năm thứ 2, thứ 3 đại học. Điều này đóng vai trò quyết định đối với các cử nhân tốt nghiệp đại học nước ngoài.
Một số bạn quyết định học Thạc Sĩ thường là nhằm củng cố kiến thức, thêm thời gian để tìm việc, hay để có thể cạnh tranh vào các trường Y Dược. Giả sử các bạn chỉ có thể đi du học được ở mức Thạc Sĩ, thì những phân tích trên của tôi cũng áp dụng được trước khi quyết định học cao hơn.
(2) Cái giá có thể phải trả của làm Tiến Sĩ là gì?
Hãy giả sử bạn chỉ xin được du học ở trình độ Tiến Sĩ (như tôi chẳng hạn), hoặc bạn không có lựa chọn nào khác là phải học Tiến Sĩ, hay vì bạn thích làm nghiên cứu khoa học một cách chuyên nghiệp trong 5-6 năm. Tôi chỉ nhắc lại một vài con số: (i) chỉ có 5% PhD mới xin được vị trí giáo sư; (ii) bạn có thể phải làm ít nhất một vài năm Sau Tiến Sĩ, có thể tới 6-7 năm Sau Tiến Sĩ nếu muốn theo đuổi con đường học thuật; Lương Sau Tiến Sĩ chỉ khoảng $40k-$60k/năm; (iii) Sau 2-3 năm tốt nghiệp PhD, 85-90% tổng số vẫn xin được việc lương tốt (~ >$80k/năm) ở trong các công ty, dù không làm trong các trường đại học. Các con số này nói lên một điều: nếu bạn thích làm nghiên cứu, không quan tâm tới tiền bạc, và thời gian như sợ già, có thể không lấy được vợ/chồng, có tận 3-4 đứa con, thì làm Tiến Sĩ cũng không đến nỗi nào: bạn chỉ già hơn một chút so với mọi người thôi! Nói cách khác, nếu theo đuổi học thuật, thì bạn sẽ có một cuộc sống không đến nỗi khó khăn nhưng không dư giả, khó có nhiều con. Có một điều chắc chắc về việc hoàn thành xong Tiến Sĩ là dù bạn vẫn đối mặt với mức độ xin việc có thể rất cạnh tranh, nhưng lại luôn có thể tìm được công việc nào đó (có thể lên tới 90%); (iv) Môi trường học thuật thường thân thiện. Bạn học được nhiều điều hàng ngày, hàng tháng, có nhiều thời gian tốt dành cho gia đình và con cái. Con cái có cơ hội sinh sống và lớn lên trong môi trường nước ngoài; thực phẩm an toàn, y tế tốt. Nếu sinh ra ở Bắc Mỹ, nên các con của bạn nghiễm nhiên sẽ có quốc tịch, hộ chiếu Mỹ hoặc Canada, sau này đi lại trên thế giới sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu tính về điều này, thì sự “hi sinh” của các bạn là cũng đáng giá chứ không “bèo” đâu!
Theo Van Ngo