[PhD life] Tiến sĩ, hậu tiến sĩ, rồi gì nữa? - BeeLab

Friday, May 17, 2019

[PhD life] Tiến sĩ, hậu tiến sĩ, rồi gì nữa?

Đó là câu hỏi mà nhiều người theo học tiến sĩ thường đặt ra. Câu trả lời thì còn tùy vào hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Có thể là có một văn bằng để tiến thân, có thể là vì phúc lợi cộng đồng, có thể là tiến đến một nền "cộng hoà khoa học". Nhưng dù mục tiêu là gì, tôi nghĩ cần phải nhận thức rõ ràng rằng tốt nghiệp tiến sĩ chỉ mới xong giai đoạn đầu của quá trình huấn luyện một nhà khoa học chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có vài ngộ nhận về ý nghĩa của văn bằng tiến sĩ và đó là điều tôi muốn bàn trong cái note ngắn này.


Tiến sĩ: xưa và nay
Giá trị văn bằng tiến sĩ không còn như ngày xưa. Ở VN ta thời xưa, tốt nghiệp Trạng Nguyên (tức tương đương tiến sĩ ngày nay) là cả một sự kiện. Sự kiện vinh quang và vinh qui. Văn học Việt Nam vẫn còn lưu truyền câu thơ của Nguyễn Bính tả quan Trạng về làng: "Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau"). Có sách sử mô tả rằng ngày xưa, người tốt nghiệp Trạng Nguyên còn được ăn cơm tối với vua, được ngắm vườn hoa của vua, và có tư cách cưới ... công chúa. Nói chung, thời đó, tốt nghiệp tiến sĩ là một thành tựu to lớn, làm đổi đời không chỉ có cá nhân mà còn cho gia đình. Tốt nghiệp Trạng Nguyên - Tiến Sĩ thời xưa có thể ví như là một cái passport để bước vào ngôi đền học thuật và vương giả.
Gần đây hơn (tức 30-50 năm trước) ở phương Tây, người tốt nghiệp tiến sĩ cũng có một tương lai rộng mở trước mặt, với đa số trở thành các nhà khoa bảng (giảng viên, giáo sư, nhà nghiên cứu) trong các đại học. Dĩ nhiên, một số nhỏ thời đó theo đuổi sự nghiệp ngoài khoa bảng, nhưng nói chung giá trị của văn bằng tiến sĩ thời đó rất ư là cao quí.
Nhưng thời nay thì mọi chuyện đã đổi thay, văn bằng tiến sĩ không còn quí hiếm như xưa. Với trào lưu đại chúng hoá đại học diễn ra khắp nơi, các tiêu chuẩn cho văn bằng tiến sĩ cũng bị hạ thấp. Do đó, có quá nhiều người tốt nghiệp tiến sĩ, nhiều đến nổi thị trường khó có thể đáp ứng. Có nhiều người tốt nghiệp tiến sĩ mà không tìm được việc làm, và đó là một tình trạng đáng buồn.

Mục tiêu của đào tạo tiến sĩ
Mục tiêu chính của đào tạo tiến sĩ là xây dựng và duy trì một 'cộng hoà' nhà khoa học chuyên nghiệp (professional scientists). Tôi dùng 'cộng hoà' theo ý nghĩa khoa bảng, chứ không phải chánh trị. Do đó, học tiến sĩ là để:
theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Để dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, học vị tiến sĩ là một “giấy thông hành” quốc tế, cũng giống như muốn hành nghề kĩ sư thì phải có bằng kĩ sư. Cố nhiên cũng có một số người tham gia nghiên cứu khoa học dù họ không có học vị tiến sĩ, nhưng đây là những trường hợp ngoại lệ.
theo đuổi sự nghiệp khoa bảng. Học vị tiến sĩ là một “chứng từ” để theo đuổi sự nghiệp khoa bảng (academic career). “Khoa bảng” ở đây được hiểu là giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Cố nhiên, ở nhiều đại học phương Tây, vẫn có người có thể trở thành giáo sư dù không có học vị tiến sĩ, nhưng cơ hội tiến thân trong các nấc thang khoa bảng ngày nay cho những cá nhân như thế không mấy cao.
Do đó, nếu thí sinh muốn theo đuổi sự nghiệp quản trị doanh nghiệp, kĩ nghệ và khoa học (như muốn làm giám đốc doanh nghiệp, giám đốc các cơ sở khoa học) hay các chức vụ hành chính, hay các chức vụ mang tính quản lí trong hệ thống chính phủ thì thí sinh không nên theo học chương trình tiến sĩ, mà nên theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh hay quản trị hành chính (MBA – Master of Business Administration).

Những ngộ nhận
Nhưng ở VN ngày nay người ta muốn có chính sách 'tiến sĩ hoá' bộ máy công quyền. Cách đây vài năm, một viên chức của Hà Nội "mong 100% cán bộ Thành ủy ‘quản’ là tiến sĩ”, vì có người cho rằng “Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy”. Không biết đến nay thì đã có bao nhiêu viên chức thuộc Hà Nội có bằng tiến sĩ, nhưng tôi đoán chắc chưa đạt con số 100%. Nhưng dù con số là bao nhiêu thì đây là một quan điểm sai lệch về văn bằng tiến sĩ.
Nhưng ngoài hiểu sai lệch trên, còn có nhiều cách hiểu sai lầm khác về động cơ theo học tiến sĩ. Theo tôi, có thể tóm lược trong những ngộ nhận phổ biến sau đây:

1) nhiều người hiểu lầm rằng học vị tiến sĩ sẽ tự động đem lại uy danh cho cá nhân. Hầu hết các thí sinh đã đạt được văn bằng tiến sĩ đều cảm thấy tự hào về nỗ lực và kết quả của việc phấn đấu trong học hành nghiên cứu. Tuy nhiên, thí sinh phải hiểu rằng một khi tốt nghiệp tiến sĩ, thí sinh có thể làm việc với nhiều nhà khoa học khác cũng có bằng tiến sĩ. Học vị tiến sĩ mới chỉ là bước đầu vào nghiên cứu khoa học, là một minh chứng rằng người có bằng đó “trưởng thành” trong khoa học, chứ nó (văn bằng tiến sĩ) chẳng đem lại uy danh cho người có học vị nếu người đó không có công trình nghiên cứu nào có giá trị.

2) ý kiến của một cá nhân được nâng cao chỉ vì cá nhân đó có văn bằng tiến sĩ. Nhiều người tin rằng một khi họ có văn bằng tiến sĩ trong tay, công chúng sẽ tự nhiên kính trọng ý kiến của họ. Nhưng niềm tin này chỉ là hoang tưởng. Người có học vị tiến sĩ có thể am hiểu và uyên bác về một lĩnh vực chuyên môn hẹp nào đó, nhưng không phải là chuyên gia của mọi vấn đề khác. Sự kính trọng phải được chứng minh qua hành động và bản lĩnh của người phát biểu, chứ không tự động mà có được qua danh xưng “tiến sĩ”.

3) học vị tiến sĩ là mục tiêu sau cùng trong học hành, nghiên cứu. Học vị tiến sĩ chuẩn bị thí sinh vào sự nghiệp nghiên cứu. Nếu thí sinh chỉ muốn có mảnh giấy để treo trên tường thì không nên theo đuổi học vị tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, thí sinh có cơ hội để so sánh thành quả của mình với các nhà khoa học khác. Thí sinh sẽ nhận thức rằng cái được “tính sổ” không phải là danh xưng hay học vị tiến sĩ, mà là nghiên cứu khoa học do chính thí sinh tiến hành và hoàn tất.

4) học tiến sĩ để gây ấn tượng trong gia đình và bạn bè. Người thân trong gia đình và bạn bè thí sinh có lẽ rất hồ hởi và tự hào khi thí sinh vào học chương trình tiến sĩ, bởi vì họ nghĩ thí sinh sẽ trở thành một ông nghè, một “doctor” trong tương lai. Nhưng văn bằng tiến sĩ chỉ là giấy thông hành cho nghiên cứu, chứ không phải để lấy le với người thân, bạn bè hay với xã hội. Không phải lúc nào cũng đòi người khác phải gọi mình là ông / bà “tiến sĩ”.

5) học vị tiến sĩ là cái cớ để thử trí thông minh. Nhiều người nghĩ rằng học tiến sĩ là một thách thức và họ muốn chơi trò thách thức xem tri thức của mình cỡ nào. Rất tiếc, quan điểm này sai, bởi vì chương trình huấn luyện tiến sĩ không phải để thí sinh cân não hay để thử khả năng tri thức. Ngoại trừ thí sinh dành trọn thì giờ và dấn thân vào học hành để đỗ đạt, thí sinh sẽ không thể nào có được văn bằng tiến sĩ chỉ vì mình “thông minh”. Như nói trên, thí sinh phải làm việc nhiều giờ trong ngày, phải có khi thức đêm trong phòng thí nghiệm hay thư viện, phải chuẩn bị đương đầu với những thất bại, phải chuẩn bị động não để học cái mới và suy nghĩ cái mới.

6) học tiến sĩ để kiếm nhiều tiền. Thí sinh tốt nghiệp tiến sĩ thực ra không có lương bổng cao hơn các thí sinh với bằng cử nhân hay người công nhân bình thường trong hãng xưởng. Xin nhắc lại: học tiến sĩ là để trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, và cái quan tâm đầu tiên của nhà khoa học là sự thật, chứ không phải sự giàu có về tiền bạc. Tất nhiên, có nhiều khi sự thật và khám phá cũng đem lại một nguồn tài chính lớn cho nhà nghiên cứu. Nhưng nói chung, đó không phải là mục tiêu để theo học tiến sĩ.

7) học tiến sĩ là một lựa chọn tốt nhất. Cống hiến cho xã hội có nhiều cách và cuộc đời có nhiều lựa chọn, và học vị tiến sĩ chỉ là một trong số hàng trăm lựa chọn đó. Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đọc phát biểu này, nhưng đó là một thực tế. Thật vậy, đối với nhiều thí sinh, học vị tiến sĩ có thể là một lựa chọn sai lầm! Thí sinh phải tự hỏi mình muốn làm người lãnh đạo trong những người có văn bằng thạc sĩ, hay là làm một nhà nghiên cứu tầm thường. Thí sinh phải biết và quyết định mình muốn gì, và nghề nghiệp nào sẽ kích khích mình nhiều nhất hay đem lại hạnh phúc cho mình nhất.

Sau tiến sĩ là gì?
Như đề cập trên, học tiến sĩ là để có một giấy thông hành trở thành một thành viên của nền cộng hoà khoa học quốc gia hay quốc tế. Nhưng để trở thành thành viên của nền cộng hoà đó, người tốt nghiệp tiến sĩ thường đi theo một con đường truyền thống. Con đường đó là tiến sĩ --> hậu tiến sĩ --> giảng viên --> giáo sư. Theo một thống kê, chỉ có 10% hậu tiến sĩ là ở lại với nghiên cứu khoa học (dù 80% họ hi vọng được ở lại đại học). Nói cách khác, có đến 90% hậu tiến sĩ bỏ sự nghiệp khoa học. Một phân tích khác của Royal Society (Anh) cho thấy hành trình từ khi tốt nghiệp tiến sĩ đến một nhà khoa học thực thụ cũng rất gian nan (1):
• Hơn phân nửa (53%) tiến sĩ ở Anh tìm sự nghiệp ngoài khoa học và công nghệ;
• 17% làm nghiên cứu ở các công ti kĩ nghệ;
• 30% tìm được việc làm ở giai đoạn "early career" (tức là hậu tiến sĩ, giảng viên, assistant professor) trong các đại học;
• Chỉ có 3,5% trong số tốt nghiệp tiến sĩ tìm được việc làm nghiên cứu khoa học trong các đại học. Chỉ có 0,45% (tức ~5 người trên 1000) sau này trở thành giáo sư thực thụ.
• Còn số người thành giáo sư thực thụ và có labo độc lập thì chỉ 0.1%.
Tuy nhiên, ngày nay, có nhiều tiến sĩ không theo con đường truyền thống đó. Theo một nghiên cứu công bố trên PLoS Biology (2) thì chỉ có 54% hậu tiến sĩ người Mĩ theo đuổi sự nghiệp khoa bảng (academia), phần còn lại là kĩ nghệ (25%), chính phủ (8%), học thêm (4%), v.v. Còn hậu tiến sĩ người nước ngoài thì 71% theo đuổi academia, 12% là kĩ nghệ, chỉ có khoảng 1% là chính phủ. Như vậy, con đường sau tiến sĩ và sau hậu tiến sĩ không chỉ là khoa bảng, mà các công ti kĩ nghệ là một nguồn quan trọng.
Tóm lại, quá trình từ tốt nghiệp tiến sĩ đến nhà khoa học độc lập là một hành trình rất gian nan và lâu năm. Chỉ có 30% tiến sĩ có vị trí hậu tiến sĩ. Chỉ có 10% hậu tiến sĩ còn tồn tại trong hệ thống nghiên cứu khoa học. Và, chỉ có một số ít hậu tiến sĩ sau này trở thành giáo sư; và trong số này chỉ có một số rất ít đứng đầu labo nghiên cứu. Thời gian từ tiến sĩ đến xong hậu tiến sĩ là từ 3-6 năm, nhưng cũng có thể lâu hơn. Điều này chỉ để nói rằng đào tạo được một nhà khoa học thực thụ cần thời gian và đầu tư nhiều công sức và tài nguyên.
Chủ trương tiến sĩ hóa cán bộ hành chính là một cách biến học vị tiến sĩ thành một loại giấy thông hành, một chứng từ, một tiêu chuẩn để tiến thân trong sự nghiệp quản trị hành chính. Qui định phải là tiến sĩ mới được đề bạt lên một chức vụ nào đó trong hệ thống quản trị hành chính là rất lệch với mục tiêu của đào tạo tiến sĩ. Chính vì qui định này mà không ít trường hợp, người ta đề bạt người vào vị trí nào đó, rồi tìm cách hợp thức hóa cho người đó bằng cách cấp bằng tiến sĩ! Việc hợp thức hóa đó bất chấp tiêu chuẩn khoa bảng và ý nghĩa của học vị tiến sĩ thể hiện một sự phá hoại các chuẩn mực giáo dục đại học.
===


Theo GS. Nguyen Tuan